Bắt vợ sinh con tại nhà để có nhau thai chôn dưới gầm giường, cột nhà

Tin an ninh xa hoi hủ tục người Mông. Trong những hủ tục của người Mông, hủ tục chôn nhau thai trẻ sơ sinh trong nhà đã không ít lần gây mối nguy hiểm cho chính những đứa trẻ mới được sinh ra.

Người dân tộc Mông ở các bản Lũng Cà, Lũng Luông, Lũng Cú thuộc xã Thượng Nung, Võ Nhai, Thái Nguyên hiện vẫn giữ được những phong tục truyền thống riêng của dân tộc mình. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục đã ăn sâu vào suy nghĩ và hành động của người dân nơi đây, trong đó, hủ tục chôn nhau thai trẻ sơ sinh trong nhà đã không ít lần gây mối nguy hiểm cho chính những đứa trẻ mới được sinh ra.

Xem bói phong tục phong thủy của người mông tại phong thủy

Truyền thống để lại bắt buộc phải làm

Các hộ dân thuộc bản Lũng Cà, Lũng Luông, Lũng Cú, xã Thượng Nung, Võ Nhai, Thái Nguyên chủ yếu là người dân tộc Mông. Do điều kiện địa hình đồi núi, dốc đá lại xa trung tâm nên hầu như cuộc sống của họ tách biệt hoàn toàn với những nơi khác. Mọi thứ ở đây chủ yếu là tự túc, làm gì ăn nấy, hiếm khi họ có điều kiện để mua sắm và cải thiện cuộc sống. Chính vì vậy, người dân tộc Mông ở đây vẫn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, bản sắc riêng không thể thay thế. Tuy nhiên, bên cạnh những phong tục tập quán tốt đẹp thì vẫn tồn tại một số ít những hủ tục, lạc hậu gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, điển hình đó là hủ tục chỉ sinh con tại nhà và chôn nhau thai trẻ sơ sinh ngay trong nhà.

Cô giáo Lê Thị Nhung (giáo viên tăng cường tại xã Lũng Cà) cho biết: “Hôm nọ, khi đang chuẩn bị đi ngủ, tôi nghe nhà bên cạnh kêu la rằng có người sắp sinh. Chạy sang thì mới biết, chị vợ khó đẻ cả mấy tiếng rồi nhưng họ không chịu đưa đi bệnh viện. May mắn là sau đó chị vợ sinh được bé gái an toàn. Sau khi về nhà, tôi lại nghe tiếng thuổng đào thình thịch mà không rõ là họ làm gì. Hôm sau sang chơi thấy vũng đất mới đào dưới chân giường, hỏi ra mới biết họ chôn nhau thai ngay trong nhà.”

Được biết, tất cả các hộ dân tộc người Mông sống tại đây đều thực hiện hủ tục mà người ta gọi là phong tục truyền thống đó.

Khi người phụ nữ trong gia đình mang bầu sẽ được chăm sóc rất cẩn thận, ít phải làm những công việc đồng áng nặng nhọc hay lên rừng. Đến gần ngày sinh con, gia đình phải mời thầy cúng về làm lễ. Thầy cúng làm các động tác ma thuật để xua đuổi ma nguyệt thực hay ăn trẻ con. Khi trở dạ, sản phụ ngồi dưới đất ở cuối giường, đỡ đẻ là mẹ chồng hoặc một người phụ nữ cùng làng có kinh nghiệm đỡ đẻ.

Điều kỳ lạ là người Mông nơi đây cho rằng, phải sinh nở tại nhà thì mới được an toàn, dù khó khăn đến mấy cũng không đi bệnh viện. Có nhiều lý do để họ nhất quyết không đi đến bệnh viện hay các cơ sở gần nhất sinh nở, do đường xá đi lại khó khăn, chi phí tốn kém, theo phong tục mà tất cả mọi người đều làm và quan trọng nhất là họ phải sinh ở nhà để có nhau thai mà chôn.

Ông Lý Văn Hoằng (một người cao tuổi trong bản) cho biết: “Việc sinh con ở nhà và chôn nhau thai sau khi sinh là phong tục của người dân tộc Mông nơi đây. Mặc dù chẳng mấy ai hiểu rõ về ý nghĩa của phong tục này nhưng ai cũng phải làm theo vì nếu không làm lại sợ có điều không may mắn đến với gia đình và đứa con mới sinh.”

Ông Hoằng cho biết, ông được cha ông truyền lại rằng, người phụ nữ phải sinh ở nhà để đứa con chào không cảm thấy lạ lẫm ở nơi khác, không bị ma bắt mất hồn khi lớn lên. Hơn nữa, để có thể chôn nhau thai ngay trong nhà thì nhất thiết phải sinh tại nhà.

Ông Lý Văn Hoằng – già làng (ảnh: Thanh Sơn).

Trường hợp người phụ nữ đẻ khó, người Mông nơi đây quan niệm đó là do con dâu ăn ở với bà cô, bố mẹ chồng chưa tốt nên phải làm phép tạ lỗi. Người con dâu phải vái 3 vái rồi xin một bát nước rửa tay, sau đó bà cô, bố mẹ chồng có một câu đáp lại thì sản phụ mới sinh đẻ dễ dàng.

Khi đứa trẻ sinh ra, bố đứa trẻ dùng cật nứa cắt nhau thai rồi bọc nhau thai trong tờ giấy bản. Nếu trẻ là trai thì nhau thai chôn dưới cột nhà vì người Mông quan niệm đàn ông là trụ cột gia đình. Nếu đứa trẻ là gái thì nhau thai chôn dưới gầm giường bố mẹ vì con gái sẽ là người nuôi dạy con cái, nuôi nấng gia đình. Thủ tục này thường được làm rất nhanh  để sản phụ có thể sinh nhanh cũng như để đứa trẻ khỏe mạnh khôn lớn.

Hủ tục tiềm ẩn nhiều mối nguy

Ngoài những ý nghĩa của việc chôn nhau thai như lời ông Hoằng nói, thì công việc gần như bắt buộc này còn để bố mẹ phát hiện được con cái của họ có bị bệnh hay không. Người Mông nơi đây tin rằng, nếu con sinh ra mà không làm thủ tục chôn nhau thai thì đứa con chắc chắn sẽ bị bệnh mà không biết, đứa bé sẽ bị ma bắt vì chôn nhau thai ở nơi khác.

Nhau thai sẽ được chôn xuống nền đất trong nhà, sâu tầm 20cm và khi lấp không được nén quá chắc. Nếu nơi chôn nhau thai bình thường thì đứa trẻ sẽ không có vấn đề gì. Còn nếu nơi chôn nhau thai có xuất hiện kiến và kiến ăn nhau thai thì con của họ đang bị bệnh. Muốn chữa khỏi bệnh cho con chỉ bằng một cách người cha phải lặn lội lên rừng tìm những loại lá cây rừng mà người già mách tên để mang về đun nước sôi, sau đó dội lên nơi xuất hiện kiến để cho kiến chết. Nếu sau vài lần mà kiến chết hết thì bệnh của đứa trẻ cũng tự khỏi, không cần phải uống thuốc.

Gia đình anh Lý Văn Đồng và chị Vá Thị Sính vừa sinh đứa con thứ hai là con gái cuối tháng 5/2014. Theo đúng phong tục của người Mông, mặc dù chị Sính khó khăn trong lúc sinh nở nhưng gia đình đã làm mọi cách để chị sinh con tại nhà. Bé Lý Thị Uyên vừa ra đời, anh Đồng dùng thuổng đào hố nhỏ chôn nhau thai của con gái xuống dưới chân giường của bố mẹ nằm.

Bé Uyên may mắn sinh ra khỏe mạnh và rất kháu khỉnh. Thế nhưng, chỉ sau hơn 1 tuần, bé bỗng nhiên quấy khóc, bỏ ăn và thường xuyên bị giật mình. Đoán chắc là bé bị bệnh nên anh Đồng kiểm tra chỗ chôn nhau thai của con, quả nhiên là có kiến xuất hiện. Anh Đồng đi tìm cụ già trong làng hỏi về những lá cây rừng cần có để đun nước sôi dội vào kiến. Anh lặn lội lên rừng và tìm đủ lá cây rừng về, sau đó đun nước sôi dội vào chỗ có kiến. Chỉ vài lần như vậy thì anh không còn thấy có kiến vàng ở vết chôn nhau thai nữa. Tuy nhiên, bé Uyên vẫn không khỏi quấy khóc và giật mình khóc thét. Kiểm tra người bé, anh phát hiện có nhiều nốt sưng tấy, đỏ ửng như là côn trùng cắn. Sau nhiều ngày tắm lá ở nhà mà những vết sưng tấy đó không hết, thậm chí còn nhiều hơn, anh Đồng đưa con gái đến trạm xá để kiểm tra. Các y sĩ cho biết con gái anh bị kiến vàng cắn, nếu không chạy chữa kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường do sức đề kháng của trẻ còn thấp. Anh Đồng chia sẻ: “Sau khi biết con gái bị kiến cắn, tôi phải mua thuốc về bôi nhưng vẫn không dám đào vứt nhau thai kia, chỉ biết lấy thêm lá rừng về đun thêm nước sôi và đổ cho chết hết kiến vàng đi thôi”.

Anh Lý Văn Đồng và con gái (ảnh: Thanh Sơn).

Trao đổi với ông Lý Văn Sình (trưởng bản Lũng Cú), ông cũng cho biết: “Ở đây, tôi từng chứng kiến nhiều trường hợp, trẻ sau khi sinh ra được một thời gian ngắn thì bị bệnh do côn trùng cắn, chủ yếu là kiến vàng. Dù không xác định rõ được kiến là từ hố chôn nhau thai hay từ đâu nhưng hầu hết các trường hợp như vậy đều thấy xuất hiện kiến vàng trong nhà.”

Vẫn biết đây là phong tục của người dân tộc Mông nhưng nó đang dần trở thành một hủ tục cần được loại bỏ. Với việc chủ quan và quá tin vào hiệu quả chữa bệnh của lá cây rừng trong trường hợp gia đình anh Lý Văn Đồng sẽ gây ra nhiều hậu quả khó lường cho trẻ nhỏ và gia đình.