Học sinh không viết được tên mình và bệnh thành tích giáo dục

Sự việc học sinh ở Quảng Trị học lớp 5 chưa biết đọc, dù nghỉ học triền miên vẫn nhận giấy khen như thường. Rồi học sinh lớp 7 không thể tự viết tên mình…

Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có nhiều chính sách để hạn chế bệnh thành tích trong giáo dục nước nhà. Tiêu biểu nhất phải kể đến việc bỏ kỳ thi đại học, gộp hai kỳ thi làm một đảm bảo tiết kiệm chi phí và công bằng trong việc thi cử. Tiếp đến phải kể đến thông tư 30: Cấm giao bài tập, cấm chấm điểm, cấm dạy thêm,…. Và mới đây nhất là cấm thi tuyển lớp 6. Những tưởng các chính sách mới trong giáo dục sẽ phần nào giúp cải thiện chất lượng, hạn chế tối đa gian lận, học giả thi giả.

Tuy nhiên, dư luận sẽ không khỏi giật mình, phải về kiểm tra trình độ học tập của con mình ngay tức khắc khi biết học sinh lớp 5 mà không thể đọc, lớp 7 mà không thể viết nổi tên mình.

Cụ thể, tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Dơi, ba học sinh Hồ Văn Thăng, Hồ Văn Nhơ và Hồ Văn Hơn lớp 7 có khả năng đọc, viết, tính toán rất hạn chế, chỉ làm được những bài toán cộng, trừ đơn giản. Tuy nhiên, những em học sinh này chưa đảm bảo được yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của học sinh ở trình độ lớp 7.

Học sinh lớp 7 không biết đọc

Cũng ở Quảng Trị, tại trường Tiểu học A Túc, hai học sinh lớp 5 và một học sinh lớp 4 không đọc được, chỉ viết được một vài chữ đơn giản. Thậm chí, những em học sinh này thường xuyên bỏ học, không đến lớp nhưng cuối năm vẫn được nhà trường tặng giấy khen đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.

Tình trạng học sinh vẫn lên lớp đều đều nhưng mù tịt kiến thức, đọc viết không thông, nhiều người đặt câu hỏi, tại sao giáo viên biết mà vẫn cho lên lớp? Và câu chuyện thành tích là vẫn đề mấu chốt của nền giáo dục nước ta hiện nay.

Tỏ ra bức xúc, khó hiểu vì sao học đến lớp 7 rồi mà không viết nổi tên mình. Tiến sĩ Nguyễn Tùng lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội khẳng định lỗi này đầu tiên phải hỏi tội giáo viên sau đó mới đến phòng, Sở giáo dục…

Ông từng cho biết: “Tôi thực sự không hiểu nổi tại sao các em học sinh này có thể vượt qua 7 năm học trong tình trạng không thể đọc, viết và cộng trừ cơ bản dưới sự giám sát của cả một hệ thống giáo dục từ giáo viên, hiệu trưởng, phòng giáo dục…”.

Có thể nói, căn bệnh thành tích giáo dục vẫn đang ăn sâu vào một bộ phận không nhỏ người làm giáo dục. Nhà trường vì danh hiệu, vì chỉ tiêu phổ cập, giáo viên vì thích thành tích, lương cao nên “tặc lưỡi” cho qua.

Trước sự việc, Bộ GD&ĐT đã bắt tay vào làm rõ cụ thể việc có hay không tình trạng ngồi nhầm lớp ở Quảng Trị. Qua khảo sát và xác minh, Bộ GD&ĐT khẳng định có tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp ở đây.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh hiển trả lời báo chí cho hay, do giáo viên dạy và đánh giá học sinh qua từng năm học thiếu tinh thần trách nhiệm, không thực hiện đúng quy chế chuyên môn, báo cáo chất lượng giáo dục và trình độ học sinh với ban giáo hiệu trường.

Chính việc này dẫn tới tình trạng học sinh không được quan tâm, dù không biết gì nhưng vẫn phải đẩy lên lớp.

Cũng trong ngày 10/4 vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng đã có công văn gửi Sở GD&ĐT Quảng Trị cùng 63 Sở Giáo dục trong cả nước, chấn chỉnh tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”.

Ngồi nhầm chỗ

Trả lời về vấn đề này, ông Hoàng Đức Thắm, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, sẽ xem xét kiểm điểm từng cá nhân liên quan trong việc để học sinh “ngồi nhầm lớp”.

Ông Hoàng Đức Thắm trả lời báo chí cho biết: “Để xảy ra tình trạng học sinh không biết chữ, trách nhiệm lớn thuộc về các thầy, cô, nhà trường đã thiếu sự quan tâm sâu sát, không đánh giá đúng năng lực của từng học sinh. Thầy, cô biết năng lực học sinh chưa đạt yêu cầu nhưng vẫn che giấu”.

Ngoài việc phê bình sở GD&ĐT Quảng Trị, Bộ GD&ĐT yêu cầu Sở phải khẩn trương triển khai chỉ đạo Trường Tiểu học A Túc và Trường Tiểu học & Trung học cơ sở A Dơi khắc phục ngay tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”.

Hiệu trưởng hai trường cần nghiêm túc kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan, chấn chỉnh công tác quản lý chỉ đạo dạy và học của giáo viên, học sinh; xây dựng kế hoạch cụ thể để giúp đỡ những học sinh đang “ngồi nhầm lớp”; bố trí giáo viên có kinh nghiệm, có tinh thần trách nhiệm tham gia phụ đạo, kèm cặp từng học sinh, bù đắp những kiến thức thiếu hụt, giúp các em sớm đáp ứng được yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng…

Bộ cũng yêu cầu phòng Giáo dục huyện Hướng Hóa phải kiểm tra, đôn đốc và hỗ trợ các nhà trường trong việc tổ chức phụ đạo, kèm cặp, giúp đỡ những học sinh đang “ngồi nhầm lớp”.

Chắc hẳn nhiều người sẽ phải lắc đầu ngán ngẩm, bởi tình trạng ngồi nhầm lớp đâu chỉ bây giờ mới đề cập đến mà trước đã nói quá nhiều. Điều đáng buồn ở chỗ, biết các em đọc kém, viết kém, chậm tư duy nhưng giáo viên lại không sát sao, quan tâm. Thay vào đó, chỉ vì chỉ tiêu, vì thành tích mà tặc lưỡi cuối năm tặng cho cái giấy khen và “đùn” lên lớp.

Câu chuyện học sinh “ngồi nhầm lớp” ở Quảng Trị như dấu hiệu báo động về chất lượng giáo dục nước ta hiện nay. Cụ thể căn bệnh thành tích, chỉ vì chỉ tiêu, bằng cấp mà nhiều giáo viên, trường học đang làm hỏng thế hệ học trò.

Hơn bao giờ hết, sự can thiệp của cơ quan chức năng, các cấp quản lý thực sự cần thiết trong việc giải quyết chấm dứt tình trạng “ngồi nhầm chỗ”, học giả thi giả trong ngành giáo dục nước ta hiện nay.

Cùng chúng tôi cập nhật liên tục các tin tuc trong ngay một cách sớm nhất