Tín hiệu Mỹ muốn hợp tác an ninh hàng hải với Việt Nam

Các quan chức quan su Mỹ liên tiếp phát tín hiệu muốn hợp tác an ninh hàng hải với Việt Nam nhiều hơn.

Mới đây nhất, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ ngày 30/3, ông Mark Lambert, tham tán chính trị Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định, Việt Nam có vai trò quan trọng trong chiến lược tái cân bằng châu Á của Hoa Kỳ.

“Lĩnh vực hợp tác an ninh quốc phòng mà chúng tôi đang thực hiện với Việt Nam hoàn toàn tương thích với mối quan hệ đối tác toàn diện mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama thông báo vào năm 2013. Nó cũng tương thích với chiến lược tái cân bằng châu Á của chúng tôi và tương thích với việc hội nhập quốc tế của Việt Nam”, ông Lambert nói.

Tín hiệu Mỹ muốn hợp tác an ninh hàng hải với VN
Báo chí nước ngoài từng đồn đoán máy bay trinh sát P3C Orion có thể là một trong những thiết bị an ninh hàng hải đầu tiên mà Mỹ muốn bán cho Việt Nam.

Trước câu hỏi Hoa Kỳ sẽ làm gì để giúp Việt Nam hiện đại hoá năng lực quân sự, Tham tán chính trị Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã điểm lại những hợp tác quan trọng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác an ninh quốc phòng.

“Quan trọng là chúng tôi có những cuộc thảo luận thẳng thắn với Việt Nam, qua đó chúng tôi hiểu rõ Việt Nam thật sự cần gì.

Hãy nhìn lại năm lĩnh vực chính trong lĩnh vực hợp tác an ninh quốc phòng của chúng ta. Về các chuyến thăm cấp cao, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Đỗ Bá Tỵ thăm Washington, Đại tướng Martin Dempsey thăm Việt Nam.

Về lĩnh vực gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, hiện có hai binh sĩ Việt Nam đang làm nhiệm vụ ở Sudan. Hiện tại chúng tôi đang giúp Việt Nam xây dựng năng lực cho các bác sĩ và kỹ sư quân đội Việt Nam.

Binh sĩ Việt Nam và binh sĩ Mỹ đang cùng nhau xây dựng những nơi trú ẩn, giúp Việt Nam xây dựng năng lực giải quyết nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân ở Quảng Ngãi.

Vào tháng 8 năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức một sự kiện quân y lớn bên ngoài Đà Nẵng. Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng thường xuyên đến Việt Nam phối hợp và trao đổi kinh nghiệm với binh sĩ Việt Nam trong các cuộc cùng làm việc để cứu người khi nhà sập hoặc trong thiên tai.

Chúng tôi cũng đang hợp tác với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và Hải quân Việt Nam nhằm giúp Việt Nam tăng cường năng lực bảo vệ lợi ích quốc gia trên biển”.

“Tất cả điều này đều ấn tượng và được đề cập trong Biên bản ghi nhớ hợp tác 2011. Tôi nghĩ là chúng tôi có thể hợp tác nhiều hơn trong lĩnh vực an ninh hàng hải”, ông Mark Lambert nhấn mạnh.

Mong muốn hợp tác an ninh hàng hải với Việt Nam đã được nhiều quan chức Mỹ khẳng định trước đó. Động thái dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí áp đặt trong gần 4 thập kỷ với Việt Nam của Chính phủ Mỹ chính là bằng chứng thể hiện mong muốn này.

Tháng 10 năm ngoái, đề cập về quyết định này của Chính phủ Mỹ, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết: “Mỹ đã có những bước đi nhằm cho phép chuyển giao các trang thiết bị quốc phòng liên quan đến an ninh hàng hải cho Việt Nam trong tương lai”.

Theo bà Psaki, quyết định này sẽ nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương được áp đặt từ sau chiến tranh Việt Nam và trước mắt chỉ phục vụ những mục đích liên quan đến an ninh hàng hải.

Cuối tháng 1/2015, trả lời báo chí, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius khẳng định: “Ưu tiên của tôi sẽ là làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại song phương. Tôi hy vọng Mỹ sẽ không phải là nước đứng thứ hai hay thứ ba trong quan hệ hợp tác đầu tư và thương mại tại Việt Nam mà cần phải đứng vị trí đầu tiên. Tôi cũng mong muốn thúc đẩy lĩnh vực hợp tác an ninh, trong đó có an ninh hàng hải…”.

Điều này tiếp tục được ông Osius nhấn mạnh khi phát biểu tại Đại học Quốc gia Hà Nội, khi hai nước đang kỷ niệm 20 năm bình thường hoá quan hệ: “Việt Nam cần có nhiều bạn bè, nhất là ở trong một khu vực phức tạp và năng động như thế này. Tuy nhiên, Mỹ có thể đem lại nhiều điều nhằm giúp tăng cường an ninh của Việt Nam trong thời gian ngắn hạn, trung và dài hạn”.

Cập nhật tin tuc nhanh nhat về an ninh xã hội, phap luat, thế giới …