Tài xế Uber không được cấp giấy phép hành nghề có thể bị xử lý hình sự?

Một bộ phận tài xế sử dụng dịch vụ của Uber không có giấy phép kinh doanh song vẫn cung cấp dịch vụ vận tải có thể bị điều chỉnh bởi Điều 292 của Bộ Luật hình sự là chủ đề đang gây tranh cãi.

Thông tin từ ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng – Phó Trưởng Ban Cải cách Tổng cục Thuế cho biết để kiểm tra, kiểm soát và truy thu thuế của Uber , đơn vị này đã trực tiếp làm việc nhiều lần với Công ty Uber Việt Nam.

Theo đó, trong quá trình làm việc cơ quan thuế xác nhận để hoạt động tại Việt Nam, Uber có ký hợp đồng với các lái xe trực thuộc các hợp tác xã hoặc DN vận tải. Trên cơ sở đó, đơn vị này cung cấp dịch vụ kết nối, chia sẻ thông tin cho các lái xe để hoạt động vận tải.

Với cơ sở này, cơ quan thuế đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát, kê khai và yêu cầu Uber cùng các bên liên quan thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam.

Tuy nhiên, một thông tin cũng được đại diện của cơ quan thuế “tiết lộ” với chúng tôi rằng, có những trường hợp là cá nhân sử dụng dịch vụ của Uber để hoạt động vận tải, song lại không có giấy phép hành nghề. Do đó, việc kiểm soát thuế của những cá nhân này gặp khó khăn.

“Tôi cũng biết có hiện tượng một số cá nhân không đứng trong tổ chức, không có giấy phép và vi phạm pháp luật. TPHCM cũng kiểm tra xử lý, ngành thuế cũng mong muốn kiểm tra các đơn vị này. Nếu cá nhân kinh doanh không có giấy phép, không đảm bảo điều kiện thì đó là kinh doanh trái phép và có thể bị xử lý hoạt động kinh doanh trái phép đó” – ông Tiến khẳng định.

Trao đổi với chúng tôi, Th.S. Luật sư, Ngô Văn Hiệp, Văn phòng Luật sư Hiệp và liên doanh, cho rằng, lái xe vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do đó yêu cầu bắt buộc đối với những đối tượng hoạt động trong lĩnh vực này là phải được cấp giấy phép hành nghề. Nếu “chiểu” theo quy định của Điều 292 Bộ Luật hình sự sửa đổi 2015, thì nhiều khả năng Uber hay cụ thể là các lái xe sử dụng dịch vụ của Uber mà không có giấy phép hành nghề, có thể bị điều chỉnh bởi quy định này.

Phân tích kỹ hơn, Luật sư Hiệp cho rằng lái xe sử dụng dịch vụ của Uber và Uber đang kinh doanh một trong những lĩnh vực nêu tại Khoản 1 Điều 292 Bộ Luật Hình sự năm 2015, nên theo yêu cầu là phải có giấy phép và kinh doanh đúng nội dung được cấp phép.

“Đây là lĩnh vực kinh doanh “nhạy cảm”, ảnh hưởng lớn đến xã hội do đó phải được cấp phép theo quy định của pháp luật. Các hành vi kinh doanh không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép có khả năng bị truy tố hình sự” – Luật sư Hiệp khẳng định.

Tuy nhiên, cũng theo thông tin từ phía Tổng cục Thuế, hiện tại Uber đang đầu tư kinh doanh các phần mềm tại Việt Nam, đã thành lập Uber Việt Nam nhưng lại chỉ thực hiện những dịch vụ như đào tạo lái xe, chứ không liên quan đến hoạt động kinh doanh. Do đó, việc Uber hay các lái xe Uber có bị điều chỉnh bởi Luật 292 hay không, cần phải phối hợp cơ quan chức năng khác để bàn.

“Thông thường là cấp giấy phép Uber Việt Nam trên cơ sở là đại diện kê khai nộp thuế cho Uber B.V, còn anh vào để đào tạo, nối và lắp đặt thiết bị lái xe, và chỉ cấp phép cho anh kê khai chủ đầu tư, thì phải kiểm tra” – ông Tiến cũng lưu ý.

Cũng theo Luật sư Ngô Văn Hiệp, việc lái xe sử dụng dịch vụ của Uber hoặc ngay chính Uber có vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 292 Bộ Luật Hình sự năm 2015 hay không thì cần phải có chứng cứ cụ thể và xem xét khách quan toàn diện các chứng cứ đó trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành.

Về cơ bản, luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc, những điểm chưa cụ thể, chi tiết thì cần được hướng dẫn bởi văn bản dưới luật.

“Một số nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 292 Bộ Luật Hình sự năm 2015 cần được hướng dẫn cụ thể, chi tiết để áp dụng thống nhất, tránh trường hợp hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội” – Luật sư Hiệp khuyến nghị.

Theo CafeBiz/Trí Thức Trẻ