Nộp tiền thoát án tử: ‘Không phải ủng hộ người giàu’

Bộ Tư pháp khẳng định đề xuất người bị kết án tử hình nộp tiền thì có thể chuyển tù chung thân không phải ủng hộ cho người giàu.
Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) bổ sung quy định việc không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình xuống tù chung thân trong trường hợp sau: người bị kết án tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất ½ số tiền, tài sản do phạm tội mà có; hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Tại buổi họp báo chiều 17/4, ông Trần Văn Dũng – Phó vụ trưởng Vụ phap luat Hình sự – Hành chính cho biết, sau 14 năm tổng kết thi hành Bộ luật hình sự, đối với án tham nhũng, hiện tỷ lệ thu hồi tài sản rất thấp, chỉ hơn 10%.
“Bài toán đặt ra là trong trường hợp vẫn thi hành án như hiện nay, người bị tử hình cứ tử hình và Nhà nước thì không không thu hồi được tiền tham ô, tham nhũng. Qua nghiên cứu kinh nghiệm các nước, đặc biệt là Trung Quốc, chúng ta có thể học tập, nghiên cứu áp dụng quy định này”, ông Dũng nói.
Nộp tiền thoát án tử: ‘Không phải ủng hộ người giàu’
Nộp tiền thoát án tử: ‘Không phải ủng hộ người giàu’
Ông Dũng nói thêm, quy định này có tính chất mới nhưng có thể giúp Nhà nước thu được một khoản tiền nhất định do tham nhũng mà có.
“Qua báo chí, cũng có ý kiến cho rằng quy định như vậy là ưu tiên người có tiền. Nhưng nếu đặt tình huống chúng ta đang thực hiện là không thu hồi được đồng nào mà vẫn phải thi hành án tử hình một con người. Chúng tôi rất mong các nhà báo chia sẻ quan điểm này”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo ông Dũng, quy định trên không đặt vấn đề người có tiền thì thoát án tử hình, người không có thì không thoát. Đặc biệt, đối với loại án ma túy đã được loại ra khỏi danh sách áp dụng quy định này.
“Chúng tôi vẫn đang lắng nghe ý kiến của nhân dân, báo chí về vấn đề này để xây dựng Bộ luật hình sự sao cho phù hợp nhất”, Phó vụ trưởng Vụ pháp luật Hình sự – Pháp luật nói.
Chánh văn phòng Bộ Tư pháp cũng thông tin thêm quy định trên mới là dự thảo và tinh thần là không phải ủng hộ cho người giàu.
Liên quan đến ý kiến đề xuất bổ sung hình phạt chung thân không giảm án, ông Trần Văn Dũng cho biết đó là bước đệm trong một số trường hợp có xu hướng bỏ hình phạt tử hình.
Ông Dũng lý giải với hệ thống hình phạt hiện nay, nếu đưa “chung thân không giảm án” sau “chung thân” và “tử hình” sẽ rất khó phân biệt 3 loại hình phạt này.
“Tổ biên tập đang đưa ra nhiều phương án. Có phương án khác là không quy định hình phạt chung thân không giảm án thành hình phạt độc lập. Chúng tôi đang đánh giá các phương án sau đó trình xin ý kiến ban soạn thảo và báo cáo Chính phủ. Nếu được thống nhất cao sẽ trình xin ý kiến Quốc hội”, ông Dũng nói.