Góc nhìn luật sư vụ bạo hành dã man trẻ nhiễm HIV

Với những hình ảnh trong clip, các “bảo mẫu” hành hạ dã man trẻ HIV đã phạm tội gì trong Bộ luật Hình sự? Hình phạt họ phải đối diện ra sao là điều dư luận quan tâm.

Trước những hình ảnh, thông tin về vụ bảo mẫu dùng dép tát, đánh đập dã man trẻ HIV/AIDS trong bữa ăn tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), nhiều luật sư đã bày tỏ sự bất bình. Dưới đây là những chia sẻ về luật pháp và thái độ của luật sư Trần Minh Hùng – Hãng luật Gia đình – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh.

Luật sư Trần Minh Hùng. Ảnh: Bao phap luat

Việc bảo mẫu hành hạ trẻ em nhiễm HIV/AIDS ngay trong bữa ăn tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) đang gây phẫn nộ trong dư luận, luật sư có bình luận gì về vụ việc này?

Luật sư Trần Minh Hùng: Hiện tượng bảo mẫu, cô giáo hành hạ trẻ em đã trở nên phổ biến ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Có nhiều hành vi hành hạ đã gây thương tích nặng cho các em, không chỉ làm tổn hại đến sức khỏe mà còn gây nên cú sang chấn lớn đối với tâm lý của các em.

Có thể thấy rằng, nhu cầu về chỗ học, nơi gửi trẻ ở các thành phố lớn ở Việt Nam đang là vấn đề nóng hổi và hết sức cấp thiết. Một số bậc cha mẹ phải thường xuyên gửi con vào những trung tâm giữ trẻ tư nhân không đảm bảo uy tín, chất lượng, khiến nỗi lo về môi trường giáo dục an toàn cho trẻ em càng trở nên cấp thiết hơn. Bởi nhiều lý do trong đó, một phần không nhỏ là do các bậc cha mẹ không đủ điều kiện gửi các em vào các trung tâm, trường học công lập.

Tôi đã xem nhiều thông tin báo chí, video… về việc các bảo mẫu, thầy cô giáo hành hạ trẻ em, học sinh gây thương tích. Khi xem những thông tin này tôi rất bàng hoàng và phẫn nộ vì tôi không hiểu tại sao con người với nhau mà họ vô cảm và có thể xuống tay dã man như vậy với các em.

Tôi không thể cầm nén được sự tức giận và cảm thấy đau xót khi đọc những thông tin mà chính mắt tôi, tai tôi nhìn thấy cũng không dám tin đó là sự thật. Đây không còn là trách nhiệm của xã hội nữa, mà trách nhiệm này cần đặt ra cho mỗi chúng ta khi chứng kiến những cảnh tượng đau xót này. Mỗi chúng ta bằng tiếng nói, hành động cụ thể để lên án và loại trừ, chấm dứt những hành vi này, không để các em phải tiếp tục hứng chịu những tổn thương mà các em là những người vô tội.

Một vài hình ảnh bảo mẫu bạo hành trẻ nhiễm HIV trong bữa ăn – Ảnh trích từ clip của Ngọc Khải – Hải Hiếu. Nguồn: Tuoitre.vn

Là một người cha, luật sư có thấy phẫn nộ với những kiểu đày đọa trẻ em như thế không? Nhất là đối với những em bé nhiễm HIV, bởi thể trạng của các em rất yếu, luôn phải chống chọi hàng ngày, hàng giờ với căn bệnh thế kỷ?

Luật sư Trần Minh Hùng: Tất nhiên là tôi cũng như đa số bạn đọc đều hết sức bất bình khi xem, đọc những thông tin này. Người lớn đối xử với nhau như vậy đã không thể chấp nhận được chưa nói gì đến việc người lớn đối xử tàn bạo với trẻ em, người khuyết tật. Đó là một điều rất độc ác.

Ngay cả một trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân mà để diễn ra những hành vi phản cảm và tàn nhẫn này là điều không thể chấp nhận được. Các em  HIV/AIDS cuộc sống của các em đã chịu biết bao thiệt thòi, tổn thương mà lỗi bệnh tật không phải lỗi của các em. Đáng ra khoảng thời gian các em còn ở trong cuộc sống này xã hội và chúng ta phải dành cho các em những chế độ đãi ngộ ưu tiên đặc biệt và tốt nhất. Đằng này lại lợi dụng sự khuyết tật của các em để hành hạ các em là vô cảm và hết sức tàn nhẫn.

Pháp luật nói chung và Bộ luật hình sự nói riêng quy định tại điều 48 đã có chế tài cụ thể về việc phạm tội đối với trẻ em là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Một vài hình ảnh bảo mẫu bạo hành trẻ nhiễm HIV trong bữa ăn – Ảnh trích từ clip của Ngọc Khải – Hải Hiếu. Nguồn: Tuoitre.vn
Một vài hình ảnh bảo mẫu bạo hành trẻ nhiễm HIV trong bữa ăn – Ảnh trích từ clip của Ngọc Khải – Hải Hiếu. Nguồn: Tuoitre.vn

Theo luật sư, với hành vi trên những bảo mẫu này sẽ bị khép vào tội gì? Và sẽ chịu sự xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Luật sư Trần Minh Hùng: Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà những bảo mẫu này có thể bị xử lý với những tội danh khác nhau hoặc có thể bị xử phạt vi phạm hành chính nếu hành vi đó chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Theo luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì hành vi của người bảo mẫu này đã vi phạm điều cấm cụ thể tại điều 7 quy định nghiêm cấm các hành trong đó có khoản 6 quy định, nghiêm cấm:

Hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác;

Tại khoản 2, điều 6 luật này quy định:

Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật.

Bộ luật hình sự tại điều 110 có quy định về tội hành hạ người khác như sau:

1.Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

  1. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
  2. a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật;
  3. b) Đối với nhiều người.

Như vậy, hành vi của người bảo mẫu đã có dấu hiệu yếu tố cấu thành tội hành hạ người khác theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, đối tượng ở đây là trẻ em, người tàn tật (thuộc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự) thuộc trường hợp định khung tăng nặng theo khoản 2, điều 110 BLHS. Và do vậy, người bảo mẫu này sẽ chịu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt từ một đến ba năm tù.

Hoặc tùy tính chất, mức độ, hành vi, tỷ lệ thương tật của các em mà những bảo mẫu này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác” quy định tại điều 104 BLHS.

Ngoài ra, Bảo mẫu này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về mức độ hành vi vi phạm pháp luật của bảo mẫu thì đã vi phạm khoản 1, Điều 13, Nghị Định 91/2011/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, mức phạt hành chính từ 1.000.000  đến 5.000.000 đồng.

Hình ảnh trẻ bị bạo hành tại trường mầm non tư thục Phương Anh, ở quận Thủ Đức, TP HCM xảy ra trước đó. Ảnh được cắt ra từ clip. Nguồn: Internet

Có thể nói, vấn đề bạo hành trẻ ở các trường mầm non, tư thục thực ra không mới, rất nhiều sự vụ báo đài đã đưa tin và dư luận đều hết sức phẫn nộ. Mặc dù người vi phạm đã bị xử lý nghiêm khắc, nhưng tại sao tình trạng này vẫn diễn ra? Liệu chăng, hình thức xử phạt đối với hành vi này còn chưa thỏa đáng, nhẹ tay?

Luật sư Trần Minh Hùng: Trước tiên là do ý thức chấp hành pháp luật của mỗi cá nhân người nuôi dạy trẻ nhỏ còn hạn chế, bên cạnh đó do quy trình đào tạo các bảo mẫu, cô giáo còn chưa chú trọng nhiều hơn đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp.

Theo tôi xã hội và con người ta đang đi theo vật chất quá lớn, quá phụ thuộc vào nó để rồi dễ vô cảm với nỗi đau của người khác, sự ích kỷ và thiếu giáo dục bài bản từ nhỏ đã tạo nên những hành vi vi phạm như trên. Tôi cho rằng việc chấp hành pháp luật là một vấn đề nhưng ý thức và lòng yêu thương con người mới là vấn đề chúng ta đang bàn đến. Bởi lòng yêu thương con người xuất phát từ cái tâm con người mà không cần sự điều chỉnh của pháp luật.

Những hành vi này xảy ra liên tục là hệ quả tất yếu của chế tài chưa nghiêm khắc, chưa đủ sức răn đe người vi phạm. Người thực thi pháp luật chưa nghiêm túc, công tâm và minh bạch trong các hành vi xử lý vi phạm… Điều này xuất phát từ hệ thống giáo dục con người và văn hóa chúng ta còn rất hạn chế và mang nhiều bất cập.

Từ góc độ pháp lý, luật sư có thể nêu 1 số quan điểm và biện pháp hạn chế và chấm dứt được tình trạng bạo hành trẻ em đang xảy ra hiện nay?

Luật sư Trần Minh Hùng: Hệ thống giáo dục là rất quan trọng. Tuy nhiên, ngay cả khi đang ngồi trên ghế nhà trường với những suy nghĩ như trang giấy trắng của các em mà đã phải đón nhận những hành vi tàn nhẫn này thì thử hỏi làm sao chúng ta có thể gọi được là nền giáo dục tốt. Chỉ có khi có một nền giáo dục tốt chúng ta mới có những công dân ý thức tốt cả về đạo đức và việc ý thức chấp hành pháp luật. Chế tài chỉ là biện pháp tức thời, đánh vào sự sợ hãi, còn ý thức nó phải có cả một quá trình đào tạo tự nguyện mà chưa phải áp dụng chế tài.

Từ một nền giáo dục tốt chúng ta chắc chắn sẽ có những bảo mấu tốt, thầy cô tốt và mặc nhiên khi ý thức tốt họ sẽ chấp hành pháp luật tốt. Cần xem kinh doanh trong lĩnh vực Giáo dục mầm non có nhà trẻ và mẫu giáo thuộc ngành nghề đặc biệt có điều kiện, từ đó sớm ban hành những quy chế thành lập và hoạt động, cơ chế giám sát hoạt động. Quy định giám sát nên tập trung cho chính quyền địa phương cấp phường xã phối hợp cùng cơ quan quản lý giáo dục cấp quận, huyện. Còn vấn đề xử lý vi phạm chỉ là giải pháp sau cùng khi hậu quả đáng tiếc đã xảy ra.

Các trường, cơ sở giữ trẻ cần tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm xử lý kịp thời những hành vi vi phạm để bảo được môi trường phát triển lành mạnh cho trẻ em, người tàn tật. Nếu phát hiện những sai sót cần xử lý nghiêm minh, không bao che cho người phạm tội.

Những loại tội phạm này khi xét xử cần mở những phiên tòa lưu động nhằm để phổ biến, giáo dục pháp luật vào quần chúng. Cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương. Khi xảy ra những hành vi bạo hành đối với trẻ em thì trách nhiệm cũng nên đặt ra đối với những người làm công tác quản lý địa phương để tạo ra tính răn đe và để họ thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình.

Xin chân thành cám ơn luật sư!

Được biết, khoa Măng non của Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân có hơn 20 trẻ nhiễm HIV độ tuổi từ 3-6, và một số trẻ chậm phát triển ở tuổi lớn hơn. Khoa này có hai bé gái bị mù khoảng 8 tuổi có thể trạng khá yếu là bé C.T. và M.. Trong đó bé C.T. có thể bò trên nền nhà, còn M. không tự di chuyển được. Hai bé này thường được các bảo mẫu cho ngồi yên trên ghế để ăn.

Theo nội dung clip và thông tin đăng tải trên TTO, nhiều bảo mẫu tại trung tâm nói trên thường xuyên có hành động tát vào mặt, vào đầu, dọa nạt các trẻ nhiễm HIV trong quá trình cho ăn. Không chỉ dùng tay, bảo mẫu còn dùng dép đang đi dưới chân để đánh trẻ.