Đánh giá nhanh điện thoại Samsung Galaxy J3

Galaxy J3 (2016) là smartphone giá rẻ của Samsung vừa bán ra thị trường Việt Nam với giá 3,69 triệu đồng.

Sản phẩm chúng tôi sử dụng trong bài đánh giá lấy từ hệ thống Hoàng Hà Mobile với giá 3,19 triệu đồng, rẻ hơn nửa triệu đồng so với giá công bố của hãng. Điểm nhấn ở sản phẩm này là việc Samsung đã mang màn hình AMOLED đến với một thiết bị giá rẻ dưới 4 triệu đồng. Ngoài màn hình thì các thông số  khác của máy ở mức cơ bản gồm bộ vi xử lý Spreadtrum SC7731 lõi tứ 1.3GHz, RAM 1.5GB, bộ nhớ trong 8GB hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ ngoài, pin 2600 mAh, camera sau 8MP, camera trước 5MP và có hai SIM nhưng không hỗ trợ LTE.

Thiết kế

Galaxy J3 (2016) hiện có 3 lựa chọn màu là vàng (phiên bản chúng tôi sử dụng trong bài đánh giá), trắng và đen. Phiên bản vàng và trắng ở mặt trước có hai tông màu với phần màn hình màu đen, còn bản màu đen thì cả mặt trước và sau đều chỉ có một tông màu đen.

Máy có thiết kế thân nhựa, vỏ tháo được với kiểu dáng bo tròn mềm mại và mặt lưng vát giống với chiếc Galaxy J5 của năm ngoái. Điểm khác là mặt lưng của điện thoại này hiện nay có bề mặt nhám, đỡ bám vân tay. Kích cỡ vừa phải và mặt lưng vát với bề mặt nhám giúp sản phẩm mang lại cảm cầm dễ chịu, vừa và ôm tay. Tuy vậy, chất liệu nhựa của máy phù hợp với tầm giá của sản phẩm, không phải là nhựa cao cấp.

Mặt lưng của J3 (2016) gần như giống hệt với chiếc J5 (2015)

Khung máy bằng nhựa được làm giả kim loại khá cứng cáp, chắc chắn

Phần khung của bản màu vàng cũng được sơn phủ đồng màu với vỏ máy, tạo sự đồng nhất

Các khớp nối trên thân máy được gia công cẩn thận, kín khít

Màn hình

Một điểm đáng chú ý ở Galaxy J3 (2016) là Samsung đã đưa màn hình AMOLED xuống tầm máy giá rẻ. Máy có màn hình AMOLED 5 inch độ phân giải HD đạt mật độ điểm ảnh 294 PPI. Tuy nhiên, bạn đọc cũng đừng vui mừng quá sớm bởi chất lượng màn hình AMOLED của điện thoại này có khoảng cách rất xa với màn hình AMOLED trên chiếc Galaxy J5 năm ngoái.

Trong kết quả đo màn hình của VnReview ở chế độ mặc định (chế độ tối ưu nhiển thị), Galaxy J3 (2016) không thể hiện được độ đen sâu và độ tương phản cao đặc trưng của các màn hình AMOLED. Thực tế hai yếu tố này của máy chỉ tương đồng với các màn hình IPS LCD chất lượng trung bình. Chính vì vậy, chất lượng hiển thị trên Galaxy J3 (2016) trông như là màn hình LCD bình thường, hơi nhợt nhạt và không có nhiều ấn tượng.

Điểm cộng ở sản phẩm này là nhiệt màu hợp lý, không bị ngả xanh hay quá ấm và góc nhìn khá rộng. Máy cũng có chế độ tăng thêm độ sáng khi dùng ngoài trời nhưng người dùng phải chọn chế độ này chứ máy không tự động tăng giống như các dòng Galaxy cao cấp do không có cảm biến ánh sáng.

Bảng kết quả đo màn hình của Galaxy J3 (2016) và các smartphone khác

Màu sắc ở chế độ tối ưu hiển thị lệch nhiều, đặc trưng phổ biến ở màn hình AMOLED

Phần mềm và hiệu năng

Galaxy J3 (2016) hiện chạy phiên bản Android 5.1 trên giao diện TouchWiz riêng của Samsung. Theo thông tin từ Samsung thì sản phẩm này sẽ có bản cập nhật lên Android 6 trong thời gian tới. Hiện tại, Galaxy J3 (2016) ở một số thị trường như Mỹ đã được xuất xưởng với Android 6. Samsung thường không tích hợp kho theme trên các máy giá rẻ như Galaxy J1 (2016) gần đây nhưng Galaxy J3 (2016) vẫn được tiếp cận. Vì vậy, bạn có thể thay đổi giao diện nếu thấy chán thiết kế và màu sắc mặc định của giao diện TouchWiz.

Các game đồ hoạ nặng như Asphalt 8 chơi được nhưng giật, lag

Về hiệu năng, Galaxy J3 (2016) sử dụng vi xử lý Spreadtrum SC7731 lõi tứ 1.3GHz, GPU Mali-400 và RAM 1.5GB. Cấu hình này đủ dùng cho phần lớn tác vụ thông dụng như lướt web, Facebook, xem YouTube hay chơi các game nhẹ. Với các game nặng có nhiều hiệu ứng cháy nổ, máy chạy sẽ bị giật, khựng hẳn lại. Dung lượng RAM hơi ít cũng thỉnh thoảng khiến máy bị đơ hoặc lag khi mở nhiều ứng dụng và chuyển đổi qua lại.

Thời gian pin

Điện thoại này sở hữu viên pin 2600 mAh. Màn hình AMOLED tiết kiệm điện giúp cho sản phẩm duy trì thời lượng sử dụng ở mức khá trong các thử nghiệm quen thuộc của VnReview. Cụ thể tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%, máy lướt web liên tục được 8 giờ 12 phút; xem phim được 6 giờ 38 phút và chơi game giả lập trên GFXBench (là hoạt động tiêu thụ pin rất mạnh) được 3 giờ 40 phút. Đây là kết quả ở mức khá khi so sánh với nhiều smartphone khác ở cùng tầm giá hoặc cả tầm giá cao hơn 1-2 triệu đồng. Với kết quả này, người dùng Galaxy J3 (2016) hoàn toàn có thể yên tâm về thời lượng pin đủ sử dụng thoải mái trong ngày mà không cần sạc.

Theo Vnreview