Đánh giá máy tính bảng lai Lenovo MIIX 3

Trong những năm gần đây, những chiếc laptop có màn hình cảm ứng đang dần phổ biến, cùng với đó là sự xuất hiện của những thiết bị lai có thể tách rời bàn phím ra để sử dụng riêng như máy tính bảng và khi cần lại có thể biến thành laptop tiện dụng.

Lenovo cũng có một dòng sản phẩm lai như vậy mang tên là MIIX, với đại diện mới nhất là chiếc MIIX 3 vừa được giới thiệu vào cuối năm 2014. Sự khác biệt lớn nhất của MIIX 3 so với thế hệ trước là bàn phím được tích hợp luôn vào một vỏ bảo vệ giống như phụ kiện của Microsoft Surface, do vậy nó có thể gập vào theo cả hai hướng của máy. Nhờ vậy, MIIX 3 vừa có thể sử dụng như tablet vừa nhanh chóng “biến hình” thành một chiếc laptop để phục vụ cho công việc văn phòng.

Đánh giá nhanh Lenovo Miix 3

Chiếc máy này cũng được cài sẵn hệ điều hành Windows 8.1 với một số cải tiến so với bản Windows 8 trên MIIX 2. Lenovo MIIX 3 có giá bán lẻ 8,99 triệu đồng, tương đương với một laptop có cấu hình khá trên thị trường hiện nay.

Thiết kế

Đánh giá nhanh Lenovo Miix 3

MIIX 3 hơi nặng nên sử dụng trong thời gian dài sẽ khá mỏi tay

MIIX 3 có màn hình 10.1 inch, tỉ lệ 16:9 nên hơi dài nếu cầm máy theo chiều dọc. Bù lại, khi sử dụng theo chiều ngang, nhất là khi xem phim sẽ “đã” mắt hơn với các máy tính bảng có tỉ lệ vuông 4:3 như iPad. Thân máy có độ dày khoảng hơn 9mm, dày dần lên về phía đuôi (phần gắn với bàn phím cảm ứng). Mặt trước của máy không có nút bấm nào mà chỉ có phần màn hình cảm ứng với viền vừa phải. Mặt sau được làm từ chất liệu nhựa mịn. Sản phẩm này chỉ có camera trước với độ phân giải 2MP để đàm thoại video, không có camera sau.

Miix 3 có trọng lượng hơi nặng nếu so với các máy tính bảng, trọng lượng của riêng phần thân máy là khoảng 550g. Dù vậy, khi gắn thêm vỏ bảo vệ để biến thành laptop thì chiếc máy này chỉ nặng khoảng 1kg, tương đương với một chiếc netbook (laptop cỡ nhỏ) nên vẫn tiện mang theo bên mình. Sử dụng MIIX 3 ở chế độ tablet để duyệt web, lướt Facebook sẽ cần thời gian làm quen do kích thước và trọng lượng của nó nhưng nếu chuyển sang chế độ laptop thì chiếc máy lại nhanh chóng đáp ứng tốt vì nhỏ gọn.

Không giống như các máy tính bảng Android và iOS thường bị hạn chế về cổng kết nối, các tablet Windows sở hữu rất nhiểu loại cổng đa dạng. Cụ thể trên MIIX3, ngoài giắc cắm tai nghe, cổng MicroUSB quen thuộc (có hỗ trợ OTG để kết nối với các thiết bị ngoại vi như chuột, ổ cứng gắn ngoài, USB), máy còn có cổng Micro HDMI để xuất hình ảnh ra màn hình lớn hay máy chiếu và khe cắm thẻ MicroSD hỗ trợ dung lượng tối đa 64GB để mở rộng bộ nhớ lưu trữ.

Đánh giá nhanh Lenovo Miix 3

Vỏ bảo vệ được làm từ chất liệu nhựa bám tay, chống trơn trượt rất tốt

Vỏ bảo vệ kiêm bàn phím của máy được phủ một lớp nhựa nổi, giúp cầm bám tay và không bị dính vân tay như thân máy cùng việc chống trơn trượt rất tốt. Phần vỏ này cũng có chân để đỡ máy khi đặt trên bàn nên khá vững chắc. Dù vậy, nó lại chỉ có một góc mở duy nhất khoảng 30 độ nên chưa thật linh hoạt như laptop.

Đánh giá nhanh Lenovo Miix 3

Máy và vỏ nối với nhau bằng kết nối nam châm

Vỏ bảo vệ có hai ngàm giữ máy rất cứng cáp nên người dùng có thể hoàn toàn yên tâm về độ chắc chắn. Do phải hy sinh cho sự mỏng nhẹ nên vỏ/bàn phím của máy không có các tính năng phụ như bổ sung thêm pin hay kết nối. Ngoài ra, khi gắn vào vỏ thì ngàm giữ lại che mất khe cắm thẻ MicroSD, nên sẽ hơi bất tiện nếu muốn tháo lắp thẻ.

Đánh giá nhanh Lenovo Miix 3

Khi gắn vỏ thì khe cắm thẻ MicroSD bị che mất

Nhìn chung, nếu ở chế độ máy tính bảng, MIIX 3 có thiết kế tương tự các dòng máy tính bảng chạy Windows khác và không có nhiều điểm nổi trội. Nhưng khi kết hợp cùng bộ vỏ kiêm bàn phím để “biến hình” thành một chiếc laptop, MIIX 3 lại tỏ ra là một thiết bị thú vị nhờ tận dụng được lợi thế của hệ điều hành Windows chuyên dụng cho chuột và bàn phím. Vỏ bảo vệ cũng giúp bạn dễ dàng đặt máy trên mặt bàn để xem phim hoặc trình chiếu ảnh.

Màn hình và loa

Đánh giá nhanh Lenovo Miix 3

Màn hình của chiếc MIIX 3 rộng 10.1 inch độ phân giải 1920 x 1200 pixel với mật độ điểm ảnh là 218 ppi. Mật độ điểm ảnh này ở mức khá, không quá cao nhưng vẫn giữ được độ sắc nét khi sử dụng do với máy tính bảng bạn sẽ nhìn ở khoảng cách xa hơn nhiều so với smartphone. Góc nhìn của màn hình tương đối rộng, khi nhìn ở các góc thì độ tương phản không bị thay đổi nhiều và các màu sắc hiển thị ở mức khá. Độ sáng tối đa của màn hình đo được là 243 nit, hơi thấp khi dùng như máy tính bảng. Độ sáng tối đa không cao kết hợp với việc màn hình bị bóng nên khi dùng ngoài trời sẽ thấy hơi khó nhìn.

Đánh giá nhanh Lenovo Miix 3

Do chỉ có một loa nên âm thanh khi xem phim hay nghe nhạc sẽ không “đã” bằng các laptop có hai loa

Loa ngoài của máy có âm lượng khá lớn, đủ để nghe ở trong phòng khoảng 20m2 hoặc khi môi trường xung quanh không quá ồn ào. Nhưng do chỉ có một loa ngoài ở cạnh trái nên khi sử dụng MIIX 3 bạn có thể nhận thấy âm thanh của máy phát ra bị lệch, một nhược điểm nhỏ nếu so với các laptop và tablet hiện nay thường có hai loa được đặt đều ở hai phía màn hình.

Hiệu năng và trải nghiệm

Phần lớn các sản phẩm lai như chiếc MIIX 3 đều có cấu hình khiêm tốn, sử dụng vi xử lý tối ưu cho thời lượng pin và nhiệt độ hoạt động như Intel Atom. MIIX 3 sở hữu bộ cấu hình gồm vi xử lý Intel Atom Z3735F lõi tứ tốc độ 1.33 GHz (có thể tăng tốc lên 1.83 GHz), RAM 2 GB, đồ họa tích hợp Intel HD Graphics tốc độ 311 MHz (có thể tăng tốc lên 646 MHz), bộ nhớ 64 GB có hỗ trợ thẻ nhớ ngoài microSD tối đa 64GB.

Cấu hình này đủ để máy chạy mượt mà các tác vụ cơ bản như soạn thảo văn bản, duyệt web, xem phim, chơi các tựa game nhẹ nhàng và chuyển đổi qua lại giữa các ứng dụng một cách trơn tru.

Đánh giá nhanh Lenovo Miix 3

Game không phải là thế mạnh của những thiết bị lai như MIIX 3

Tuy nhiên, khi phải thử sức với các tựa game có đồ họa cao cấp hơn một chút như Asphalt 8 hay FIFA 15 Ultimate Team, chiếc tablet của Lenovo đáp ứng khá vất vả, đặc biệt là với các tựa game sử dụng màn hình cảm ứng hay cần nghiêng máy. Nhìn chung, Lenovo MIIX 3 phù hợp với các tác vụ làm việc văn phòng và giải trí nhẹ nhàng, cơ bản. Nếu muốn xử lý các công việc phức tạp hơn như chỉnh sửa ảnh photoshop, dựng phim hay trải nghiệm các tựa game có đồ họa nặng, bạn sẽ cần đến một chiếc máy có cấu hình mạnh mẽ hơn.

Bên cạnh hiệu năng, trải nghiệm sử dụng của các tablet dùng Windows 8.1 cũng khác rất nhiều so với iPad hay các tablet Android. Trên giao diện Metro, Microsoft và các nhà phát triển đã cung cấp khá nhiều ứng dụng được thiết kế cho màn hình cảm ứng, nhưng có thể nói là chưa sánh bằng hai hệ điều hành kia cả về sự đa dạng và chất lượng ứng dụng.

Khi sang tới môi trường desktop thì mọi chuyện khác hẳn. Màn hình cảm ứng không hề phù hợp với những biểu tượng rất nhỏ của Windows, và thao tác sử dụng cũng rất khác (ví dụ để mở một biểu tượng trên các máy cảm ứng khác bạn chỉ cần chạm một lần, nhưng với Windows sẽ phải chạm hai lần). Để sử dụng thoải mái, bạn nên kết hợp cùng phần vỏ kiêm bàn phím.

Bàn phím của MIIX 3 có thiết kế quen thuộc của Lenovo, các phím chữ cái và số đều có kích thước tiêu chuẩn nên khá dễ gõ. Phần kê tay có kích thước vừa phải, đủ để đặt bàn tay một cách thoải mái. Cảm giác gõ phím tốt, tuy là loại phím mỏng nhưng hành trình phím đủ dài. Đối với công việc văn phòng thì bàn phím này đáp ứng khá tốt.

Đánh giá nhanh Lenovo Miix 3

Bàn phím của máy cho cảm giác gõ tốt.

Tuy vậy, Windows 8.1 lại chưa giải quyết tốt việc kết hợp giữa phím ảo và phím vật lý. Trong giao diện Metro, nếu không gắn phím cứng thì bàn phím ảo sẽ tự động hiện lên mỗi khi cần nhập liệu; tuy nhiên trong giao diện Desktop thì bạn phải tự nhấn vào một nút trên thanh Taskbar để bật phím ảo lên, chưa được tiện lắm.

Touchpad trên bàn phím này khá nhỏ nhưng nhạy, hỗ trợ cảm ứng đa điểm nhưng chỉ tốt với thao tác cuộn trang. Với những cử chỉ như kéo ngón tay để phóng to/thu nhỏ thì thao tác bằng touchpad không trơn tru bằng dùng màn hình cảm ứng.

Đánh giá nhanh Lenovo Miix 3

Khi sử dụng thực tế, việc thiếu cổng USB cũng là một nhược điểm của MIIX 3, do bạn không thể cắm thêm chuột, USB 3G hoặc ổ cứng ngoài nếu không có thêm phụ kiện. Dây nối USB OTG có thể đáp ứng nhu cầu này nhưng chưa thật tiện dụng.

Lenovo cũng cài sẵn một số ứng dụng của hãng như SHAREit, VeriFace Pro, Telegraph for Lenovo hay phần mềm bảo mật McAfee LiveSafe. Số lượng phần mềm cài sẵn không quá nhiều và nếu không cần thì bạn cũng có thể gỡ đi dễ dàng.

Về thời lượng pin, trong thử nghiệm bật một phim có độ phân giải HD với độ sáng màn hình ở mức 70%, gắn bàn phím và các kết nối đều được bật, MIIX 3 chạy phim được 5 giờ 45 phút thì máy gần cạn pin và tự tắt. Như vậy, nếu nhu cầu sử dụng với cường độ không quá cao thì pin của máy đủ dùng trong ngày. Cục sạc gốc của máy có cường độ dòng ra 1.5A so với các máy tính bảng thường là 2A nên tốc độ sạc khá

chậm. Khi thử sạc từ trạng thái máy đã tắt để bảo vệ pin (còn khoảng 3% pin) thì sau 5 giờ 30 phút máy mới đầy pin.

Kết luận

Với bộ vỏ bảo vệ kiêm bàn phím, MIIX 3 đã dung hòa khá tốt những ưu điểm của cả tablet và laptop khi giúp người dùng vừa có thể sử dụng máy như một chiếc máy tính bảng vừa có thể chuyển sang làm việc như một chiếc máy tính xách tay khi cần thiết.

MIIX 3 sẽ phù hợp với những người yêu thích sự gọn nhẹ, màn hình cảm ứng tiện dụng của những chiếc tablet nhưng vẫn cần làm việc trên môi trường Windows, đặc biệt là phải có bàn phím cứng để nhập liệu nhanh chóng và tiện lợi. Tuy vậy, cũng hy vọng là Lenovo sẽ cải tiến về hiệu năng cho các phiên bản MIIX 3 tiếp theo để máy đáp ứng tốt hơn cho cả nhu cầu công việc, giải trí và game.

Theo Vnreview